Triển khai dự án tu bổ, tôn tạo kè Hộ Thành hào ở mặt Đông Kinh thành Huế: Tránh lặp lại vết xe đổ

VHO - Khoảng 1.400m bờ kè dọc Hộ Thành hào ở mặt Đông Kinh thành Huế sẽ được tu bổ, tôn tạo nhằm góp phần bảo vệ hệ thống tường thành. Đặc biệt, sau khi hoàn thành di dời dân cư ở khu vực I Kinh thành Huế sẽ làm cho không gian di tích được chỉnh trang, tạo điểm nhấn phát huy giá trị và khai thác du lịch.

Triển khai dự án tu bổ, tôn tạo kè Hộ Thành hào ở mặt Đông Kinh thành Huế: Tránh lặp lại vết xe đổ - Anh 1

 Hiện trạng sụt lún, hư hại, sạt lở ở một số đoạn dọc kè Hộ Thành hào (đoạn từ Đông Thái Đài đến cống Thanh Long)

Theo đó, dự án có kinh phí gần 45 tỉ đồng, được thực hiện từ tháng 2.2024 đến hết năm 2026. Đây là hạng mục thuộc dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế - Hợp phần tu bổ, tôn tạo di tích” đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định điều chỉnh tại Quyết định số 1452/QĐ-UBND ngày 19.6.2023. Dự án sẽ tu bổ, tôn tạo tuyến kè dài 1.395m dọc Hộ Thành hào, đoạn từ Eo bầu Đông Thái Đài đến cống Thanh Long, nằm ở mặt Đông của Kinh thành Huế.

Dự án do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư và Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Trung (thuộc Viện Khoa học Công nghệ xây dựng) thi công. Năm 2019, đơn vị này đã từng thi công đoạn tu bổ gần 1.000m bờ kè dọc Hộ Thành hào đoạn từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài (một phần ở mặt Nam Kinh thành Huế) và đã bị dư luận phản ứng do dùng xe cuốc để phá dỡ kè cũ rồi xây mới. Sau đó, chủ đầu tư và đơn vị thi công buộc phải khắc phục; đồng thời thi công các đoạn kè còn lại ở mặt Nam Kinh thành Huế theo đúng nội dung kỹ thuật mà dự án đã duyệt và tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa.

Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Ban Quản lý dự án Di tích Cố đô Huế cho biết, hiện nay các đơn vị liên quan đang dọn dẹp và chuẩn bị mặt bằng cho việc triển khai dự án tu bổ, tôn tạo bờ kè Hộ Thành hào ở mặt Đông Kinh thành Huế. Đơn vị thi công sẽ triển khai các nội dung theo đúng dự án đã được phê duyệt, như bao che khu vực thi công bằng thép ống và bạt; phát quang, dọn dẹp rác thải, cây cối và hoàn trả mặt bằng trên tuyến Phòng Lộ và Hộ Thành hào; đắp đê quai, hút nước phục vụ công tác thi công; tháo dỡ những đoạn kè hiện trạng bị hư hỏng, mất liên kết và tiến hành phân loại, vệ sinh đá nguyên gốc sau khi hạ giải thân kè; tiến hành gia cường nền móng, với đế móng được gia cố bằng cọc tre, lắp dựng ván khuôn, đổ bê tông cốt thép dày 40cm…

Triển khai dự án tu bổ, tôn tạo kè Hộ Thành hào ở mặt Đông Kinh thành Huế: Tránh lặp lại vết xe đổ - Anh 2

Gần 1.400m kè dọc Hộ Thành hào ở mặt Đông Kinh thành Huế sẽ được tu bổ, tôn tạo

Dự án sẽ bảo tồn, tu bổ và gia cố các đoạn kè nguyên trạng còn tương đối tốt. Với các đoạn kè đã bị hư hại, sạt lở, sụt lún, sẽ phục hồi kè đá bằng cách tận dụng tối đa đá gan gà nguyên gốc còn khả năng sử dụng để tu bổ, tôn tạo mặt ngoài thân kè; sử dụng kỹ thuật xây kè có vữa liên kết các khối đá, tạo mạch vữa lõm từ 7-10cm ở mặt ngoài thân kè và xếp đá khan dày 50cm mặt sau thân kè… Hiện nay, tình trạng kè dọc Hộ Thành hào ở mặt Đông Kinh thành Huế, nhiều đoạn đã bị xuống cấp và sụt lún nghiêm trọng; nguy cơ tác động đến kết cấu của hệ tường thành rất lớn, ảnh hưởng đến di sản Kinh thành Huế. Chính vì thế, việc triển khai tu bổ, tôn tạo tuyến kè dọc Hộ Thành hào ở mặt Đông của Kinh thành Huế nhằm mục tiêu góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di tích Kinh thành Huế; tạo cảnh quan, thẩm mỹ, tạo điểm nhấn để phát triển du lịch.

Trong Quần thể Di tích Cố đô Huế, ngoài hệ thống lăng tẩm các vua triều Nguyễn thì Kinh thành Huế và các công trình lịch sử, văn hóa do triều Nguyễn xây dựng từ đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX vẫn luôn gìn giữ và chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên vô cùng đặc sắc. Việc triển khai dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế là vô cùng quan trọng nhằm mục tiêu cải thiện, ổn định, nâng cao đời sống của dân cư sau khi di dời khỏi khu vực di tích; đồng thời từng bước hoàn chỉnh tổng thể kiến trúc, cảnh quan, văn hóa nghệ thuật của Kinh thành Huế nói riêng và từng bước hoàn chỉnh “bức tranh” quy hoạch tổng thể của một kinh đô triều đại nhà Nguyễn, trong đó có các công trình kiến trúc độc đáo, xứng đáng là di sản văn hóa thế giới mà UNESCO đã vinh danh. 

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc